.
Công trình chịu tác động bởi các loại tải trọng có tính chất khác nhau, được gọi là các
Trường hợp tải trọng, bao gồm:
- Tải trọng thường xuyên (TT)
- Tải trọng tạm thời (HT)
- Tải trọng gió (G)
- Tải trọng động đất (D)
Các trường hợp tải trọng trên có thể xuất hiện đồng thời, với các tình huống khác nhau, được gọi là các
Trường hợp tổ hợp, bao gồm
- Tổ hợp TT và HT
- Tổ hợp TT, HT, +-G
- Tổ hợp TT, HT, +-D
Chúng ta hoàn toàn không thể biết trước trường hợp nào là nguy hiểm nhất, do đó cần phải tính toán nội lực cho tất cả các trường hợp tải trọng, sau đó tổ hợp nội lực để có nội lực trong các trường hợp tổ hợp
Trong tính toán, ví dụ tính thép, Etabs sẽ tính toán cốt thép cho tất cả các trường hợp tổ hợp, trường hợp nào có kết quả diện tích cốt thép lớn nhất là trường hợp tổ hợp nguy hiểm nhất, đối với tiết diện đang xét. Như vậy, Etabs sẽ cho ra 2 thông tin là diện tích cốt thép và trường hợp tổ hợp đã tính ra diện tích cốt thép đó.
Về nguyên tắc, chúng ta cần thiết kế kiểm tra (tính diện tích cốt thép, tính đài cọc v.v...) cho tất cả các trường hợp tổ hợp, tổ hợp nào cho ra kết quả tính toán lớn nhất thì là tổ hợp nguy hiểm nhất. Tuy nhiên có một số trường hợp có thể kết luận trước khi tính toán; đó là các trường hợp mà chỉ cần nội lực đơn lẻ để tính toán. Ví dụ: tính cốt thép dọc của dầm, thì mô men lớn nhất sẽ cho ra diện tích lớn nhất, do đó có thể kết luận luôn là trường hợp tổ hợp nào có mô men lớn nhất là trường hợp nguy hiểm nhất. Tính cố đai cho dầm, thì tổ hợp nào có lực cắt lớn nhất (thường đi đôi với trường hợp có mô men lớn nhất) sẽ cho ra diện tích cốt đai lớn nhất và có thể kết luận là trường hợp tổ hợp nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, khi tính cốt thép cột, hoặc tính kiểm tra cọc trong đài, thì do có sự xuất hiện đồng thời cả 3 giá trị N, Mx, My trong công thức tính nên không thể kết luận được trường hợp nào là nguy hiểm nhất; vì có trường hợp thì N lớn - M bé, còn có trường hợp thì N bé - M lớn, đều là các trường hợp nguy hiểm, do đó phải tính ra kết quả rồi mới kết luận được trường hợp nào là trường hợp nguy hiểm nhất.
Biểu đồ Bao là biểu đồ ghi nhận giá trị lớn nhất:
Ví dụ:
- Tổ hợp 1 có N = 30T, M = 5Tm, tính thép cột ra được 30cm2
- Tổ hợp 2 có N = 10T, M = 20 Tm, tính thép cột ra được 40cm2
- Tổ hợp 3 có N = 15T, M = 12 Tm, tính thép cột ra được 35cm2
Như vậy nếu tính thép cột, thì sẽ tính lần lượt 3 tổ hợp và kết luận diện tích cốt thép yêu cầu là 40cm2, tổ hợp nguy hiểm nhất là tổ hợp 2
Tuy nhiên tổ hợp bao sẽ có giá trị nội lực: N = 30 T; M = 20 T; vì tổ hợp bao chỉ đơn giản là đánh giá được giá trị lớn nhất; nếu tính thép cột bằng tổ hợp bao sẽ ra 50cm2, và sẽ là sai, vì nội lực của tổ hợp bao không phải là nội lực thực tế có thể xảy ra theo quy định của tiêu chuẩn, chỉ là một phép tính để ghi nhận giá trị lớn nhất, và chỉ đúng khi áp dụng cho các tính toán mà chỉ liên quan đến nội lực đơn lẻ, ví dụ tính cốt dọc của dầm chỉ cần M, tính cốt đai chỉ cần Q.