Dạng địa hình


Khi gió thổi qua các bề mặt, ma sát giữa nó và bề mặt làm cho sự phân bố vận tốc của nó thay đổi; vùng tiếp xúc gần với bề mặt gọi là vùng biên và có vận tốc bé hơn so với các vùng phía trên, điều này tương tự như khái niệm dòng chảy Reynold trong thủy lực.

"Độ nhám" của bề mặt khác nhau dẫn đến ma sát giữa dòng không khí (gió) với bề mặt khác nhau và dẫn đến sự thay đổi khác nhau của vận tốc gió tại vùng biên. Để đánh giá "độ nhám" của bề mặt và từ đó xác định vận tốc gió tại vùng biên, người ta phân địa hình ra các dạng khác nhau phụ thuộc đặc điểm của nó.

TCVN 2737:2023 mục 8.4 chia địa hình ra làm 3 dạng:

  • Địa hình dạng A là địa hình trống trải, không có hoặc có rất ít vật cản cao không quá 1.5m (bờ biển thoáng, mặt sông, hồ lớn, đồng muối, cánh đồng không có cây cao ...)
  • Địa hình dạng B là địa hình tương đối trống trải, có một số vật cản thưa thớt cao không quá 10m (vùng ngoại ô ít nhà, thị trấn, làng mạc, rừng thưa hoặc rừng non, vùng trồng cây thưa ...)
  • Địa hình dạng C là địa hình bị che chắn mạnh, có nhiều vật cản sát nhau cao từ 10m trở lên (trong thành phố, vùng rừng rậm)

Công trình được xem là thuộc dạng địa hình nào nếu tính chất của dạng địa hình đó không thay đổi trong khoảng cách 30h khi h < 60m và 2km khi h > 60m tính từ mặt đón gió của công trình, h là chiều cao công trình

Dạng địa hình cũng được mô tả bằng hình ảnh trong phụ lục D

Do giữa các dạng địa hình khác nhau sẽ có vận tốc gió ở bề mặt khác nhau và dẫn đến tải trọng gió tác dụng khác nhau lên công trình (giữa địa hình A và C chênh nhau gần 2 lần) do đó khi thiết kế người kỹ sư cần dựa vào đặc điểm của địa hình để lựa chọn dạng địa hình chính xác nhằm xác định đúng tải trọng gió tác dụng lên công trình.