Cường độ tính toán của cốt thép CB500

25/06/2018
43,652

Bài viết này đề cập đến cách xác định cường độ tính toán của thép CB500 cũng như các loại thép khác

Cách xác định cường độ tính toán của cốt thép được nêu trong mục 5.2.2.2 của TCVN 5574:2012, giá trị được xác định bằng Rs = Rsn / γs; trong đó Rsn là cường độ tiêu chuẩn hay giới hạn chảy (theo 5.2.2.1) và γs là hệ số độ tin cậy của cốt thép

Ngoài các loại thép ghi trong TCVN 5574:2012, cốt thép dùng cho xây dựng theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay được quy định trong TCVN 1651:2008, bao gồm các loại thép CB240; CB300; CB400 và CB500; trong đó CB là ký hiệu của cốt thép dùng cho kết cấu bê tông; con số phía sau là giới hạn chảy ghi theo đơn vị MPa; ngoài ra tiêu chuẩn này còn ký hiệu thêm đặc trưng bề mặt của thanh thép. Vị dụ thép tròn trơn bổ sung thêm ký hiệu -T; và thép có gân bổ sung thêm ký hiệu -V; như là CB240-T; CB300-V; CB400-V; CB500-V. Như vậy, thép CB500 có giới hạn chảy hay cường độ tiêu chuẩn Rsn = 500 MPa

TCVN 1651:2008 chỉ quy định về đặc trưng của thép; không quy định về việc tính toán cấu kiện BTCT do đó cũng không quy định về hệ số độ tin cậy γs , hệ số này được quy định trong TCVN 5574:2012

Hệ số độ tin cậy γs được quy định trong TCVN 5574:2012 tại bảng 20 và phụ lục B (mục B.3.1.1), tuy nhiên giữa hai chỉ dẫn này cũng có mâu thuẫn với nhau; ví dụ trong bảng 20 thì thép A-IV (cường độ chảy 590 MPa) có hệ số độ tin cậy là 1.15; trong khi phụ lục B lại quy định hệ số độ tin cậy đối với thép có cường độ chảy bé hơn 300 và lớn hơn 600 lần lượt là 1.1 và 1.2; các loại thép có cường độ chảy nằm giữa hai giới hạn này được lấy theo nội suy; điều này là mâu thuẫn với giá trị 1.15 của thép A-IV vì theo nội suy cường độ 590 phải có hệ số độ tin cậy là 1.197

Khi xác định cường độ tính toán của thép CB500-V, có thể sử dụng hệ số độ tin cậy của thép A-IV theo bảng 20, giá trị bằng 1.15; cường độ tính toán của CB500-V bằng: Rs = 500/1.15 = 435 MPa


Quan tâm Zalo KetcauSoft để theo dõi các bài viết và tài liệu mới