Giá trị phần dài hạn của hoạt tải theo TCVN 2737:2023

08/07/2023
19,571

TCVN 2737:2023 mới được phát hành có khá nhiều điểm khác so với phiên bản 1995, trong đó có một thắc mắc của không ít người đó là giá trị phần dài hạn của hoạt tải.

Giá trị phần dài hạn của hoạt tải được sử dụng để tính toán kết cấu ở trạng thái giới hạn thứ 2 theo TCVN 5574:2018, bao gồm có việc tính vết nứt và độ võng của cấu kiện chịu uốn.

Trong TCVN 2737:2023, khái niệm "phần dài hạn của tải trọng tạm thời tiêu chuẩn" được chuyển đổi thành "giá trị tiêu chuẩn giảm của tải trọng tạm thời ngắn hạn" như được nêu trong mục 5.4; phần này được hiểu là tương đương với phần dài hạn của hoạt tải theo cách hiểu trước đây (xét kỹ hơn, thì tải trọng tạm thời dài hạn = tổng của các tải trọng thạm thời dài hạn và phần dài hạn của các tải trọng tạm thời ngắn hạn)

Giá trị của phần "giá trị tiêu chuẩn giảm" (hay phần dài hạn của tải trọng tạm thời ngắn hạn) được nêu trong mục 8.3.3 và mục 8.5.4 (tiêu chuẩn viết khá rải rác nên có thể độc giả cần xem kỹ hơn để xác định đầy đủ hơn), phụ thuộc vào loại tải trọng, nhưng lấy đơn giản cho đa số trường hợp sẽ = 0.35 giá trị toàn bộ tải trọng tạm thời ngắn hạn. Như vậy có thể hiểu, đối với tải trọng tạm thời ngắn hạn, thì:

  • Phần dài hạn = 0.35 tổng giá trị

 

Thảo luận thêm

Về cơ bản, các khái niệm về hoạt tải (tải trọng tạm thời) nêu trong TCVN 2737:2023 và TCVN 2737:1995 không có quá nhiều khác biệt, chỉ là trình bày sắp xếp lại để rõ "khoa học, hợp lý" hơn.

Ví dụ:

  • Về phân loại tải trọng, thì phiên bản 1995 có phân loại là tải trọng tạm thời dài hạn (mục 2.3.4) và tải trọng tạm thời ngắn hạn (mục 2.3.5); các khái niệm này lần lượt được sắp xếp lại thành các mục 5.4 và 5.5 trong phiên bản 2023
  • Về giá trị, phiên bản 1995 có cho một bảng giá trị về tải trọng phân bố đều (bảng 3), bảng này tổng hợp cả tải trọng tạm thời ngắn hạn và tải trọng tạm thời dài hạn; trong khi phiên bản 2023 tách ra thành các bảng khác nhau và có quy định hệ số giảm để xác định phần dài hạn đối với các tải trọng tạm thời ngắn hạn

Có thể dùng hệ số giảm để xác định phần dài hạn và ngắn hạn của tải trọng tạm thời ngắn hạn để tính toán các trạng thái giới hạn thứ 2 theo TCVN 5574:2018, nhưng có thể trong tương lai không xa, TCVN 5574 sẽ được cập nhật và có cách tính toán khác hơn cũng như sử dụng các khái niệm phù hợp hơn với TCVN 2737:2023


Quan tâm Zalo KetcauSoft để theo dõi các bài viết và tài liệu mới