Hàm lượng 1% cho thép cọc khoan nhồi ?

17/11/2017
21,879

Một số bạn có hỏi tại sao hiện tại một số đơn vị tư vấn thiết kế bố trí hàm lượng cốt thép là 1% cho đoạn trên của cọc khoan nhồi ? Được quy định ở đâu ? Và khoảng bố trí này dài bao nhiêu ?

Theo tôi được biết thì xuất phát của việc bố trí hàm lượng thép 1% là do điều 7.1.6 và 7.1.7 của tiêu chuẩn 10304:2014 có quy định Cọc được tính toán theo TCVN 5574:2012 (nay là TCVN 5574:2018) khi xác định SCT theo vật liệu, và điều 7.1.8 quy định Cọc được tính như một thanh ngàm cứng trong đất tại tiết diện cách đáy đài 1 đoạn L1 (có công thức xác định đoạn L1 này)

Như vậy Cọc được tính như Cột khi tính toán theo Vật liệu, và nếu là Cột thì trong tình huống thiết kế chịu động đất cần có hàm lượng cốt thép tối thiểu là 1% theo quy định của TCVN 9386:2012

Cách hiểu này có đúng không ? Tôi không thể khẳng định vì đây là quy định của tiêu chuẩn, ngoại trừ việc tiêu chuẩn không khẳng định rõ ràng Cọc là Cột mà chỉ nêu là một thanh

Nhưng có hợp lý hay không thì theo quan điểm của tôi là chưa hợp lý. Vì cấu tạo 1% của cột theo TCVN 9386:2012 là để đảm bảo độ dẻo của cột, hay là khả năng biến dạng ngoài giới hạn đàn hồi khi chịu uốn, do dưới tác động động động đất (tải trọng ngang) thì cấu kiên chịu uốn. Trong khi chúng ta thiết kế cọc chỉ chịu kéo - nén

Còn nếu tuân thủ điều khoản này thì đoạn bố trí hàm lượng 1% là ở đâu và dài bao nhiêu ? Theo tôi vì TVCN 10304:2014 có nêu cọc như một thanh ngàm cứng trong đất tại tiết diện cách đáy đài một đoạn L1, nên chiều dài bố trí thép với hàm lượng 1% này cũng trong khoảng L1 và cộng thêm đoạn neo, tính từ đáy đài. Cách xác định L1 được nêu tại đây: xác định chiều dài tính toán của cọc


Quan tâm Zalo KetcauSoft để theo dõi các bài viết và tài liệu mới