Bài dưới đây đề cập đến một số câu hỏi phổ biến về tổ hợp tải trọng được gửi về cho KetcauSoft
1. Khi thiết kế cốt thép dầm và cột thì phải sử dụng tổ hợp tải trọng nào ? Ví dụ em có 9 combo và 1 bao
Trong các tiêu chuẩn thiết kế, chỉ để cập đến tổ hợp tải trọng bao gồm có các tổ hợp cơ bản và tổ hợp đặc biệt, không đề cập đến tổ hợp bao. Đây là căn cứ để chúng ta hiểu một vấn đề là: cần tính toán cho tất cả các tổ hợp để đưa ra được thiết kế thỏa mãn an toàn đối với tất cả các tổ hợp ấy.
Nếu các bạn còn nhớ, thì khái niệm tổ hợp bao được đề cập duy nhất trong đồ án bê tông 1 thiết kế dầm (đồ án BT1 còn thiết kế sàn nhưng sàn thì dùng bảng tra, không liên quan đến tổ hợp). Về sau này mọi người nhớ nhầm lẫn, nên cứ dí tổ hợp bao cho cả cột + móng, sẽ dẫn đến sai trong tính toán.
Tổ hợp bao là tổ hợp ghi nhận các cặp giá trị lớn nhất (không đồng thời, hay tương ứng), cụ thể là Mmax và Qmax, do việc tính toán dầm bao gồm tính toán cốt dọc (chỉ sử dụng Mmax) và cốt đai (chỉ sử dụng Qmax) nên không cần tính đồng thời - tương ứng. Nhưng tính toán các cấu kiện khác, ví dụ Cột, thì cần tính đồng thời trong cùng 1 tổ hợp, do đó các bạn sẽ thấy trong các hướng dẫn tính cột thì các cặp nội lực để tính bao gồm có Nmax - Mtu, Mmax - Ntu và Mmin - Ntu chứ không phải là sử dụng tổ hợp bao.
Các bạn có thể xem thêm tại đây: http://ketcausoft.com/forum/showthread.php?tid=1477&pid=9037#pid9037
2. Hệ số vượt tải của tải trọng và hệ số tổ hợp trong tải trọng có liên quan gì đến nhau không ?
Hệ số vượt tải được hiểu là hệ số xét đến vượt quá của tải trọng so với giá trị trung bình. Nếu xét TTGH2 thì không cần xét đến vượt quá, do mức độ vượt quá xảy ra trong giai đoạn ngắn. Ví dụ độ võng, khi tải trọng vượt quá thì độ võng có thể bị vượt quá theo, nhưng qua giai đoạn đó thì độ võng trở lại như bình thường (nhờ tính đàn hồi). Nhưng xét ở TTGH1 thì khi tải trọng vượt quá có thể làm hư hỏng kết cấu, và không phục hồi được nữa. Do đó khi tính toán cho TTGH1 thì sử dụng tải trọng tính toán (giá trị tiêu chuẩn nhân hệ số vượt tải), còn tính toán cho TTGH2 thì sử dụng tải trọng tiêu chuẩn.
Hệ số tổ hợp là hệ số xét đến xác suất bắt gặp của đồng thời các tải trọng với nhau. Ví dụ khi gió tác động mạnh nhất thì có khả năng công trình không vận hành 100% hoạt tải.
Về các khái niệm nêu trên, thì theo TCVN, hệ số vượt tải và hệ số tổ hợp không có mối liên hệ với nhau.
3. Với nhà thấp tầng, những tổ hợp chỉ gồm có TT + gió có cần xét đến không ạ ?
Về nguyên tắc, cần xét đúng tải trọng tác dụng lên công trình, tuy nhiên hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể cho việc công trình bị che chắn thì xác định như thế nào, mà chỉ có hướng dẫn về phân dạng địa hình A, B, C theo mức độ che chắn mang tính tổng thể.
Cũng xuất phát từ thực tế, các công trình nhà dân thường có cột tương đối bé, trong khi nếu tính toán một cách nghiêm chỉnh thì không thể có kết quả đó; nguyên nhân có thể tổng hợp lại như sau:
- Do tải trọng xuất hiện không đạt đến giá trị quy định trong tiêu chuẩn
- Do vật liệu làm việc thực tế có độ bền lớn hơn so với tiêu chuẩn
- Do tính toán không xét được đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng: khả năng chịu lực của tường xây chèn, tác dụng giằng của tường xây chèn
- Do tính toán không kể được chính xác tác động của tải trọng gió, độ giảm của tải trọng gió do bị che chắn ở mức độ chi tiết
Kết luận rằng, qua thực tế cho thấy tính toán nhà dân mà bỏ qua tải trọng gió thì cho kết quả phù hợp hơn với các công trình xây dựng trong thực tế (mức độ nhà dân). Cái này không phải là đúng đắn 100%, nhưng là thực tế phổ biến.