Bài viết này trình bày nguyên lý tính toán giằng móng
Nguyên tắc chung khi tính toán thiết kế bất kì một kết cấu nói chung hay một cấu kiện nào nói riêng cũng là phải tìm được quy luật về lực tác động - nội lực và quy luật về khả năng chịu lực của cấu kiện. Một cách ngắn gọn là phải xác định được các yếu tố tác động lên cấu kiện đó, nội lực phát sinh và thực hiện bài toán kiểm tra - thiết kế khi đã có nội lực.
Để tính toán giằng móng, hãy xét các yếu tố tác dụng hay vai trò của nó trong hệ kết cấu chung:
- Chịu tác dụng của lún lệch. Giằng móng góp phần nhỏ trong tác dụng chịu lún lệch của cả hệ kết cấu. Trước đây từng có quan điểm tính toán giằng móng dưới tác dụng hoàn toàn của lún lệch. Tuy nhiên giằng móng chỉ là bộ phận nhỏ của cả hệ kết cấu bao gồm dầm và sàn của phần thân. Các nghiên cứu tính toán cũng chỉ ra rằng giằng móng chỉ góp một phấn nhỏ trong tác dụng chịu lún lệch so toàn bộ phần thân.
- Tác dụng đỡ tường xây.
- Tác dụng phân phối mô men chân cột. Cùng với kết cấu móng (móng cọc, móng đơn ...), giằng móng chịu tác dụng phân phối mô men chân cột theo độ cứng. Đặc biệt đối với trường hợp đài cọc có 1 cọc và 2 cọc.
- Tác dụng đẩy nổi của nền đất. Giằng móng đóng vai trò như Dầm trong hệ Sàn dầm khi làm việc cùng với sàn tầng hầm chịu tác dụng đẩy nổi của nền đất.
- Tác dụng lệch tâm: Móng có thể chịu lệch tâm thiết kế (nhà xây chen) hoặc lệch tâm ngẫu nhiên (lệch tâm do thi công). Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể mà xác định được tác động lên giằng móng
- Tác dụng lệch tâm ngẫu nhiên: móng thông thường được thiết kế sao cho tâm móng trung với vị trí đặt tải trọng. Tuy nhiên quá trình thi công có thể phát sinh những sai lệch (ví dụ cọc bị lệch so với vị trí thiết kế) dẫn đến phát sinh mô men do lệch trục của tải trọng; mô men lệch tâm này không được tính toán trước cho móng và do đó giằng móng sẽ có vai trò phân phối mô men lệch tâm này. TCVN 9386:2012 cũng có đề cập đến lực kéo nén tối thiểu cần thiết kế cho giằng móng ở tại mục 5.4.1.2(6) thuộc phần 2 - Nền móng, tường chắn và các vấn đề địa kỹ thuật
Để xác định nội lực, mô hình phù hợp nhất là mô hình làm việc đồng thời giữa kết cấu và nền đất.