Shell-Thin và Shell-Thick là gì ? Chúng khác nhau như thế nào khi khai báo sàn ?
Có bạn hỏi tôi tại sao khi mô hình tấm trong Etabs để xác định độ võng lại có sự khác nhau giữa Shell Thin và Shell Thick ? Chúng là gì và nên áp dụng khi nào ?
Khi tính toán độ võng cho cấu kiện, chúng ta thường chỉ dùng mô men để tính toán độ cong và từ đó tính được độ võng. Nhưng thực ra điều đó chưa hoàn toàn chính xác.
TCVN 5574:2018 khi tính độ võng của dầm có đề cập rằng khi tỉ lệ Nhịp trên chiều cao bé hơn 10 thì cần tính toán đến biến dạng trượt do lực cắt. Điều này là do khi cấu kiện càng dày cao thì ảnh hưởng của biến dạng trượt càng lớn và cần được xét đến trong tính toán.
Điều này tương tự đối với sàn. Theo hướng dẫn của CSI, tấm có kích thước nhịp trên chiều dày khoảng từ 5 đến 10 có thể gọi là thick-plate.
Mặc dù việc kể đến biến dạng cắt là luôn đúng kể cả khi chúng rất nhỏ. Tuy nhiên thực tế việc tính toán sẽ gặp sai số đáng kể đối với các trường hợp chia lưới tính toán không đều, hoặc với những phần tử có tỉ lệ các cạnh lớn. Bên cạnh đó thời gian tính toán sẽ kéo dài do ma trận độ cứng phức tạp hơn; trong khi thực tế tính toán cho thấy giá trị chênh lệch không đáng kể khi tỉ lệ nhịp / chiều cao lớn hơn 8.
Do đó với các tấm có tỉ lệ nhịp trên chiều cao bé hơn 10 thì bạn mới cần điều chỉnh tấm sang thick-plate.