Tại sao SCT của Cọc khi tính theo SNIP thường bé hơn so với công thức Nhật Bản
Nhiều bạn thắc mắc tại sao khi tính toán SCT của cọc theo SNIP - phương pháp tra bảng - lại bé hơn so với khi tính theo công thức Nhật bản, thậm chí trong nhiều trường hợp chênh nhau tới 2 lần.
Thực tế là nếu giá trị tính toán tương đồng nhau giữa các công thức thì đã không cần tới nhiều công thức tính toán.
Bên cạnh đó, các công thức tính toán sử dụng các thông số khác nhau cho nên kết quả của chúng phụ thuộc rất nhiều vào sự chính xác của kết quả thí nghiệm, cũng như phụ thuộc nhiều vào sự tương đồng giữa các chỉ tiêu với nhau.
Phân tích về mặt số liệu, hình ảnh dưới là Bảng 3 của TCVN 10304:2014, bảng này dùng để tra sức kháng thành bên fi, phụ thuộc vào độ sâu và độ sệt (đất dính) - cỡ hạt (đất rời)
Bảng tra cho thấy giá trị lớn nhất của fi là 100 kPa, giá trị này ở độ sâu > 35m và độ sệt <= 0.2 ; trong trường hợp cát chặt thì giá trị này được tăng thêm 30% . Như vậy là một giá trị giới hạn, và không quá lớn
Trong khi đó, công thức xác định sức kháng thành bên trong phụ lục G, theo công thức Nhật bản đối với đất dính thông thường là: 6.25*SPT (kPa) (công thức cụ thể xin xem thêm trong tiêu chuẩn, ở đây chỉ trình bày đơn giản để so sánh).
Như vậy, theo công thức Nhật bản, ví dụ với đất sét trạng thái cứng SPT = 30 thì fi = 187.5 kN; nghĩa là gần gấp đôi giá trị nếu dùng phương pháp tra bảng, và giá trị này càng tăng nếu SPT càng lớn. Tương tự với sức kháng ở mũi cọc.
So sánh trên đây lý giải tại sao SCT của cọc tính theo 2 công thức cho ra hai giá trị khác nhau và đôi khi sự sai khác là rất lớn. Đòi hỏi người kỹ sư cần thu thập đối chiếu thông tin với các công trình lân cận hoặc dựa vào kinh nghiệm đã kiểm chứng bởi thí nghiệm nén tĩnh để có thể xác định được SCT của cọc