Bài viết này đề cập đến tải trọng dùng để tính toán nền móng cho công trình theo TCVN 9362:2012
Tiêu chuẩn thiết kế nền nhà và công trình TCVN 9362:2012 (dùng cho thiết kế móng nông: móng đơn, băng, bè) phân ra 2 trường hợp tính toán nền là: Tính toán nền theo biến dạng (Mục 4.6) và Tính toán nền theo sức chịu tải (Mục 4.7)
Mỗi trường hợp tính toán áp dụng cho từng loại nền riêng và sử dụng tải trọng khác nhau để tính toán. Cụ thể như sau
Về trường hợp áp dụng
Mục 4.1.3 nêu trường hợp áp dụng trường hợp tính toán; theo đó:
- Tính theo biến dạng khi nền không phải là đá
- Tính theo sức chịu tải: nền đá và các trường hợp nêu trong mục 4.1.4, kèm theo ghi chú một số trường hợp không dùng sức chịu tải nếu chuyển vị không vượt quá mức cho phép
Như vậy, hầu hết các loại nền đất đều rơi vào trường hợp tính toán theo biến dạng (lưu ý phân biệt 2 khái niệm ĐẤT và ĐÁ)
Về giá trị tải trọng
Đầu mục 4.1.3 có quy định về trạng thái giới hạn tương ứng của từng trường hợp tính toán. Theo đó khi tính toán theo biến dạng (bao gồm việc áp dụng công thức kiểm tra áp lực nền) sẽ dùng giá trị tải trọng tiêu chuẩn (hệ số độ tin cậy = 1) để tính toán kiểm tra.
Tất nhiên khi tính toán độ bền (tính toán cốt thép) thì vẫn áp dụng giá trị tải trọng tính toán (hệ số độ tin cậy > 1)
Về tổ hợp tính toán
Mục 4.2.2 có đề cập đến các tổ hợp sẽ dùng trong tính toán ứng với các trường hợp. Theo đó khi tính toán nền theo biến dạng sẽ sử dụng các tổ hợp cơ bản của tải trọng (không bao gồm tải trọng đặc biệt như động đất v.v..)
Tổng kết
Như vậy, khi tính toán nền đất (nền không phải là đá), chúng ta sẽ áp dụng trường hợp tính toán nền theo biến dạng (bao gồm việc kiểm tra độ lún theo 4.6.6 và áp lực nền theo 4.6.9), được phân loại là trạng thái giới hạn thứ 2 (sử dụng giá trị tiêu chuẩn của tải trọng) và các tổ hợp dùng để kiểm tra là các tổ hợp cơ bản.
Lưu ý khác
Công thức 15 trong mục 4.6.9 xác định giá trí áp lực R là để so sánh với áp lực trung bình. Giá trị cho phép khi so sánh với áp lực tại biên móng (có sự tham gia của 1 trong 2 thành phần mô men) là 1.2R và tại góc móng (sự tham gia đồng thời của mô men theo 2 phương) là 1.5R . (Xem mục 4.6.19)